Phương pháp đánh giá sự nguy hiểm cháy nổ trong các công trình.

Đăng bởi: Hoàng Quân Phát(sale@pccc24.com) | Last updated 2016-08-22

Phương pháp đánh giá sự nguy hiểm cháy nổ trong các công trình công nghệ sản xuất.

1. Những tài liệu cần thiết để đánh giá nguy hiểm cháy, nổ của các quá trình công nghệ sản xuất.

a. Thuyết minh công nghệ

Một trong nhũng tài liệu cần thiết để đánh giá sự nguy hiểm cháy, nổ của quá trình công nghệ sản xuất là phần công nghệ của bản thiết kế kỹ thuật gồm phần thuyết minh và các bản vẽ thiết kế công nghệ, sơ đồ nguyên lý dây chuyền công nghệ.

Qua phần thuyết minh chúng ta có thể xác định được phương pháp sản xuất của cơ sở, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của quá trình công nghệ  sản xuất, kể cả nguyên liệu, sản phẩm tạo thành cũng như máy móc công nghệ sử dụng trong quá trình đó, các chỉ số của các thông số sản xuất cơ bản như: áp suất, nhiệt độ, nồng độ, lưu lượng...

b. Bản vẽ sơ đồ dây chuyền công nghệ sản xuất.

Từ những bản vẽ thiết kế công nghệ, sơ đồ nguyên lý của dây chuyền công nghệ sản xuất ta thấy được từng giai đoạn của quá trình, tính liên tục hay gián đoạn của nó, mối liên hệ và sự phân bố các thiết bị, máy móc của quá trình công nghệ sản xuất. Nắm được thể tích và kích thước của thiết bị, khoảng cách giữa chất cháy và các thiết bịm đường ống.

Ngoài ra, từ những bản vẽ kỹ thuật của dây chuyền công nghệ sản xuất, ta cũng có thể biết được vị trí chất cháy có thể thoát ra, những nơi có thể  phát sinh nguồn nhiệt gây cháy.

2. Phương pháp đánh giá sự nguy hiểm cháy nổ trong các quá trình công nghệ sản xuất.

Đánh giá sự nguy hiểm cháy nổ trong các quá trình công nghệ sản xuất đóng vai trò quan trọng đối với công tác phòng cháy chữa cháy. Vì chỉ trên cơ sở đánh giá đúng mức độ nguy hiểm cháy nổ mới đề ra được các biện pháp, giải pháp phòng ngừa thích hợp và có hiệu quả.

Phương pháp đánh giá sự nguy hiểm cháy nổ các quá trình công nghệ sản xuất hoặc từng giai đoạn của quá trình công nghệ sản xuất được tiến hành theo các bước:

2.1 Phân tích những nguyên nhân gây hư hỏng máy móc thiết bị sản xuất.

Phân tích những nguyên nhân gây hư hỏng các máy móc, thiết bị và đường ống sản xuất từ đó dẫn đến cháy nổ. Để phân tích vấn đề này cần phân loại các nguyên nhân gây hư hỏng các máy móc, thiết bị đường ống sản xuất theo nhóm như: những nguyên nhân cơ học, những  nguyên nhân nhiệt và nguyên nhân hóa học, từ đó xem xét đối với từng thiết bị cụ thể xem chúng chịu tác động của những nguyên nhân nào.

 

2.2 Xác định tính chất và số lượng các chất cháy.

Đánh giá sự nguy hiểm cháy, nổ của các quá trình công nghệ sản xuất cần xác định số lượng các chất cháy được sử dụng và tạo thành trong quá trình sản xuất. Dựa vào xông suất của thiết bị máy móc hoặc mối cân bằng vật chất của các thiết bị hay từng công đoạn của quá trình sản xuất.

Tính chất của các chất cháy được xác định bằng các thông số đặc trưng về sự nguy hiểm cháy nổ của chúng. Các thông số được xác định cho từng loại chất cháy khác nhau cụ thể:

Đối với chất cháy lỏng: Nhóm cháy, nhiệt độ sôi, tỉ trọng, nhiệt độ bùng cháy, nhiệt độ bốc cháy, các giới hạn nhiệt độ bốc cháy, các giới hạn nồng độ bốc cháy, khả năng tĩnh điện, nhiệt lượng cháy và tính độc hại

Đối với chất khí cháy: Thành phần hóa học, nhiệt độ bốc cháy, nhiệt độ tự bốc cháy, các giới hạn nồng độ bốc cháy, tỉ trọng, nhiệt lượng cháy và tính độc hại.

Đối với chất cháy rắn: Nhóm cháy, thành phần hóa học, nhiệt độ bốc cháy, nhiệt độ tự bốc cháy, nhiệt lượng cháy, tính độc hại của sản phẩm khi bị phân hủy nhiệt và do cháy, chất chữa cháy. Riêng đối với chất rắn cháy có nhiệt độ nóng chảy dưới 300 độ C cần xác định thêm nhiệt độ bùng cháy.

 

2.3 Xác định môi trường nguy hiểm cháy nổ.

Đối với các máy móc, thiết bị chứa chất lỏng cháy, chất khí cháy và bụi cháy phải xác định điều kiện hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ bên trong chúng trong điều kiện làm việc bình thường, trong giai đoạn dừng và khởi động, đưa vào vận hành, cũng như trong các trường hợp sự cố.

Ngoài việc xác định sự hình thành moi trường nguy hiểm cháy nổ bên trong các thiết bị cần xác định môi trường nguy hiểm cháy nổ, trong phòng sản xuất hoặc bên ngoài khi chất cháy thoát ra trong điều kiện các máy móc, thiết bị hoạt động bình thường cũng như khi hư hỏng, sự cố.

 

2.4 Xác định khả năng xuất hiện các nguồn nhiệt gây cháy.

Các nguồn nhiệt gây cháy trong các quá trình sản xuất rất đa dạng, chúng xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để đề phòng cháy nổ do tác động của các nguồn nhiệt cần xác định khả năng xuất hiện của các dạng nguồn nhiệt đối với từng công đoạn sản xuất, của mỗi quá trình công nghệ, cũng như những điều kiện để nguồn nhiệt trở thành nguồn gây cháy.

 

2.5 Xác định khả năng lan truyền của đám cháy.

Khả năng lan truyền của đám cháy trong các quá trình công nghệ sản xuất do các nguyên nhân và điều kiện khác nhau, xác định được nguyên nhân nào dẫn đến lan truyền của đám cháy đối với từng quá trình công nghệ sản xuất mới đề ra được các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.