Cháy nổ ga nguyên nhân do thiếu ý thức
Đại diện Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM cho biết, từ khi khí gas xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1993, loại khí này được coi như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nghành công nghiệp và đời sống của người dân. Tuy nhiên, tính từ năm 2006 đến nay, cả nước đã để xảy ra 150 vụ cháy nổ bình gas. Bình quân mỗi năm làm hơn 1.000 người chết, nhiều người thoát chết nhưng mang thương tật nặng nề suốt đời.
Nhiệt độ ngọn lửa của khí gas khi bị cháy rất cao khoảng 1.000 độ C, dễ gây bỏng cho người và gia súc. Đồng thời gây cháy lan, khó khăn cho công tác chữa cháy. Khi khí gas thoát ra khỏi thiết bị chứa, tích tụ ở những chỗ trũng trên mặt đất và tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy nổ.
Theo cảnh sát PCCC: Sự thiếu hiểu biết và chủ quan là hai nguyên nhân chính gây cháy nổ do khí gas. Hiện nay nhiều người dân tổ chức sang chiết gas trái phép trong khu dân cư. Đây là điều kiện phổ biến để xảy ra rò rỉ khí gas.
Nếu người dân biết được hoạt động sang chiết ga trái phép thì cần phải đấu tranh, báo cơ quan chức năng, đặc biệt không được mua bán, tiếp tay cho các đối tượng này. Một cán bộ PCCC lý giải: “Khi khí gas rò rỉ, nó bay từ nhà này sang nhà khác, tích tụ trong không khí. Lúc gặp ngọn lửa hay tia nhiệt, ngay lập tức sẽ gây cháy nổ và gây thiệt hại cho mỗi nhà. Cháy nổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại gas lậu. Gas lậu là vỏ bình không đảm bảo, không được kiểm định chất lượng. Lượng thép không đủ sức chịu lực trong bình. Khi xảy ra cháy thì sẽ gây nổ. Trường hợp vỏ bình tốt, đúng tiêu chuẩn nhưng người ta sang chiết không đúng cũng gây nguy hiểm.
Ví dụ bình 12kg nhưng chỉ bơm 11kg, còn 1kg bị ăn chặn cũng không đảm bảo. Bởi vậy, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khuyến cáo, người dân chỉ mua và dùng gas tại các đại lý uy tín, chăm sóc khách hàng thường xuyên.
Khi sử dụng bếp gas thì phải biết kiểm soát đảm bảo an toàn tuyệt đối, khi đi xa phải tắt bếp, khóa van bình. Nếu phát hiện khí gas bị thoát thì cần mở thoáng các cửa cho khí gas thoát ra ngoài. Sau đó gọi điện đến các đại lý gas nhờ người đến hỗ trợ.
Xảy ra rò rỉ khí gas, người dân không được tiếp cận gần các thiết bị điện như cầu dao, công tắc, hay các vật dụng có phát nhiệt. Nếu được thì khóa van bình gas, đem bình ra ngoài chỗ thoáng.