Phương pháp và biện pháp dập tắt đám cháy

Đăng bởi: Hoàng Quân Phát(sale@pccc24.com) | Last updated 2016-08-01

1. Điều kiện dập tắt đám cháy.

Dập tắt đám cháy là triệt tiêu quá trình cháy ở mọi hình thức cả quá trình cháy khuếch tán đồng thể và quá trình cháy dị thể.

Một đám cháy được duy trì nếu nó được cung cấp một lượng nhiệt/ năng lượng nhất định, ở đám cháy thì số năng lượng này chính là nguồn nhiệt lượng mà quá trình cháy sinh ra, tức là sản phẩm của phản úng sinh nhiệt trong các đám cháy.

Để dập tắt đám cháy, cần phải ngăn chặn phản ứng sinh nhiệt xảy ra trong vùng cháy.

Ở điều kiện cân bằng nhiệt, trong vùng cháy có nhiệt độ nhất định gọi là nhiệt độ cháy hay độ cân bằng nhiệt. Nhiệt độ này không phải là đại lượng không đổi mà nó thay đổi theo sự thay đổi của vận tốc sinh nhiệt và vận tốc truyền nhiệt vào môi trường xung quanh của vùng cháy.

Khi tăng quá trình sinh nhiệt thì nhiệt độ cháy cũng tăng lên tới giá trị mới mà quá trình truyền nhiệt vào môi trường xung quanh cũng tăng lên đến một giá trị cân bằng nhiệt mới nào đó tương ứng với nhiệt độ cháy.

Điều kiện để dập tắt đám cháy là phá vỡ cân bằng nhiệt trong đám cháy. Điều này tương ứng với việc cần phải hạ nhiệt độ vùng cháy bằng cách Giảm tốc độ sinh nhiệt của vùng cháy, tăng tốc độ truyền nhiệt của vùng cháy vào môi trường xung quanh.

2. Phương pháp, biện pháp dập tắt đám cháy.

a. Phương pháp dập tắt đám cháy.

-Nhóm phương pháp làm lạnh: Bản chất của phương pháp này là giảm nhiệt độ của vùng phản ứng cháy xuống thấp hơn nhiệt độ tắt dần, hoặc làm cho nhiệt độ của vật cháy xuống thấp hơn nhiệt độ bắt cháy.

Phương pháp này chủ yếu dùng cho chữa cháy chất rắn, nước là vật chất chữa cháy bằng phương pháp làm lạnh hiệu quả nhất, tiếp đến có thể sử dụng khí CO2 nén.

-Nhóm phương pháp cách ly: Cơ bản là ngăng cản tiếp xúc với chất oxy hóa (đặc biệt là oxy trong không khí) của các chất cháy.

Phương pháp này có thể sử dụng các cách sau:

  • Đóng cửa, lỗ thông hơi, thông gió của phòng đang cháy để không cho không khí tiếp xúc với ngọn lửa
  • Tạo lớp cách ly trên bề mặt chất cháy bằng các chất chữa cháy
  • Tạo khoảng cách giữa các chất dễ cháy

-Nhóm phương pháp làm giảm nồng độ: Bản chất của phương pháp này là làm giảm nồng độ các chất tham gia cháy xuống thấp hơn giới hạn bốc cháy, để làm được điều này, chúng ta phun vào đám cháy các chất như nước, khí trơ,...Phương pháp này hiệu quả đối với các đám cháy trong phòng có thể tích nhỏ và ít cửa.

-Nhóm các phương pháp kìm hãm hóa học: Dùng các chất chữa cháy phun trực tiếp lên đám cháy/vùng phản ứng cháy là gián đoạn phản ứng cháy

b. Biện pháp dập tắt đám cháy.

- Dập tắt đám cháy theo diện tích được áp dụng khi lực lượng chữa cháy có đủ khả năng phun chất chữa cháy lên toàn bộ diện tích đám cháy

- Biện pháp dập cháy theo chu vi, tức là đường bao xunh quanh đám cháy, trong trường hợp này đòi hỏi phải huy động số lượng lớn lực lượng chữa cháy và các phương tiện.

- Biện pháp dập cháy theo mặt lửa: Mặt lửa tức là một phần của chu vi đám cháy mà ở đó diễn ra quá trình lan truyền ngọn lửa.

- Biện pháp dập cháy theo thể tích( hầm, cống, công trình ngầm, phòng kín... bằng khí, bọt...)