Nhận thức chung về phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy

Đăng bởi: Hoàng Quân Phát(sale@pccc24.com) | Last updated 2016-11-07

1. Phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy là hoạt động của đông đảo quần chúng có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tôt quốc.

Xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy là một biện pháp cơ bản thường xuyên lâu dài, có ý nghĩa chiến lược trong quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy. Để nâng cao hiệu quả của công tác này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được Nhà nước giao để tổ chức vận động quần chúng. Mặt khác phải căn cứ vào tính chất đặc điểm cháy, nổ của từng địa bàn, trình độ nhận thức của quần chúng để có hình thức, biện pháp tổ chức vận động cho phù hợp. Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy là hoạt động đa dạng, phong phú, cần phải được tiến hành bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp năng động, sáng tạo. Có thể nói, đây là vấn đề mang tính nghệ thuật cao trong công tác dân vận. Trong quá trình xây dựng phong trào, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà vận dụng những hình thức, phương pháp cụ thể cho sát hợp.

2. Mục tiêu xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy

Xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy phát triển sâu rộng, vững chắc và có hiệu quả.

Sâu rộng: Phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy được "Ngành ngành thực hiện, nhà nhà tham gia, người người làm theo", phong trào phát triển ở các cơ quan, tổ chức, cơ sở, hộ gia đình, được mọi người dân tham gia.

Vững chắc: Phong trào được duy trì thường xuyên, chất lượng. Phong trào ngày càng được nâng lên và đông đảo quần chúng tự giác, tích cực tham gia.

Hiệu quả: Phong trào có tác dụng thiết thực trong việc phòng ngừa không để cháy xảy ra, phát hiện và tổ chức chữa cháy tại chỗ kịp thời, ngăn chặn cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

3. Nguyên tắc xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy.

Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, kết hợp với xây dựng lực lượng nòng cốt của phong trào.

Về nhận thức tư tưởng cần xác định được việc phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, mà trước hết là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, đồng thời cũng là quyền lợi thiết thực nếu làm tốt công tác phòng cháy và chữa cháy, không để xảy ra cháy.

Xây dựng thế trận toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy, xác định các đối tượng tham gia, nhiệm vự của từng đối tượng và các bước xây dựng toàn dân phòng cháy và chữa cháy.

Xây dựng lưc lượng nòng cốt của phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy là các đội dân phòng và đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

Cụ thể nội dung công tác phòng cháy và chữa cháy vào việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, gắn hoạt động phòng cháy và chữa cháy vào các phong trào khác nhất là phong trào của các đoàn thể và tổ chức xã hội.

4. Ý nghĩa tầm quan trọng

Xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy và chữa cháy có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó làm cho quần chúng nhận thức được vị trí tầm quan trọng của công tác phòng cháy và chữa cháy, thấy rõ nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong việc phòng cháy và chữa cháy. Quần chúng nâng cao ý thức trách nhiệm và bồi dưỡng kiến thức cho quần chúng về công tác phòng cháy và chữa cháy, giáo dục ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, kinh tế tà sản không bị cháy nổ thiêu hủy. Giới thiệu cho quần chúng nắm được các nguyên nhân gây cháy và các biện pháp phòng cháy và chữa cháy cụ thể. Đồng thời giúp quần chúng thấy được tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định an toàn PCCC, nắm được các việc cần làm khi phát hiện thấy cháy.